Phương pháp học cùng con sao cho hiệu quả? Những lưu ý khi làm gia sư cho trẻ?
Làm thầy của con
Cha mẹ có thể dạy cho con những cái mới mà con chưa được học ở trường hoặc giúp trẻ vận dụng những điều đã học vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Khi đó, cha mẹ nên đặt con vào tình huống cụ thể để tạo hứng thú, kích thích tư duy của trẻ.
Ví dụ: Sau khi con học bài diện tích hình chữ nhật (lớp 3), cha mẹ có thể hỏi: Nhà ta định lát lại sân bằng gạch mới, con tính giúp bố cần bao nhiêu viên gạch, mỗi viên có kích thước 4×4(cm)?

Làm bạn học với con
Cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ cùng tham gia giải quyết các vấn đề trong gia đình nhưng có liên quan đến nội dung trẻ đã được học. Ví dụ: Sáng mai Chủ Nhật, mẹ con cùng đi chợ mua thực phẩm cho bữa trưa có khách nhé. Mẹ dự tính chi 300.000 đồng cho việc này. Mình cùng bàn xem cần mua bán như thế nào?
Làm học trò của con
Cha mẹ khéo léo gợi ý, khuyến khích trẻ nhớ lại, dạy lại cho mình những kiến thức trẻ đã học ở trường. Trong đó, nêu những câu hỏi “thắc mắc” để phát triển tư duy của trẻ.
Phụ huynh cần đề cao những câu hỏi mà trẻ đặt ra cho thầy cô ở trường, khích lệ trẻ tự tìm tòi, tìm hiểu những điều mình muốn biết…
Trong những trường hợp này, nhiều khi cha mẹ phải “giả vờ” không biết để trẻ khẳng định bản thân. Ví dụ những câu hỏi gợi ý như: Này con, tại sao khi trời nắng mẹ con mình trú dưới bóng cây lại cảm thấy mát mẻ nhỉ? Nhưng đồng thời lá cây hô hấp cũng “lấy đi” oxy mà. Vậy, khi đó lượng oxy được lá cây thải ra và hấp thụ có cân bằng không con nhỉ?…

Những lưu ý khi làm gia sư cho trẻ
Lựa chọn phương pháp thích hợp
Lựa chọn phương pháp đúng sẽ giúp bạn dễ dàng hướng dẫn con khi làm bài, trẻ cũng dễ tiếp thu hơn và thời gian hoàn thành bài vở sẽ rút ngắn hơn. Để làm được điều đó, bạn cần phải nắm được thói quen học của con, biết con thích học một mình hay cần có người ngồi bên cạnh, con thích học môn tự nhiên, khoa học hay xã hội,… Từ đó, bạn có thể chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất để dạy con hiệu quả.
Điều tiết thời gian học hợp lý
Mặc dù theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bé tiểu học nếu đã học 2 buổi ở trường thì không phải làm bài tập về nhà. Tuy nhiên, quy định này vẫn luôn trong tình trạng khó khả thi. Ngoài hai buổi học ở trường, đến tối trẻ vẫn phải làm rất nhiều bài tập về nhà. Điều này rất dễ gây tâm lý mệt mỏi, chán học cho con.
Vì vậy, bạn nên điều tiết lại thời gian học ở nhà của con sao cho hợp lý. Việc tạo thời gian nghỉ ngơi cho con chính là để giảm bớt áp lực, không cảm thấy chán ghét việc học, hứng thú đến trường vào mỗi buổi sáng.
Nếu như số lượng bài tập cuối tuần nhiều hơn so với ngày thường, cha mẹ có thể phân chia thành nhiều khoảng thời gian khác nhau, xen kẽ là thời gian nghỉ ngơi.
Đến giai đoạn con lớn hơn, bạn có thể yêu cầu con chủ động sắp xếp thời gian tùy theo thời gian biểu học tập có sẵn.
Luyện khả năng tập trung
Khi còn bé, con rất dễ bị phân tán bởi những yếu tố xung quanh khi học bài. Vì vậy, để đảm bảo buổi học cùng con hiệu quả, trước khi bắt đầu, bạn nên đưa ra một số quy tắc để con phải tuân theo.
Khi con học, bạn nên tắt hết các thiết bị ảnh hưởng đến khả năng tập trung của con như ti vi, điện thoại, laptop, máy tính bảng,… để con chuyên tâm làm bài.
Nên thành cho trẻ thói quen tập trung từ nhỏ bởi điều này sẽ rất có lợi cho học tập cũng như công việc sau này.
